Bảng tuần hoàn hóa học tốc hành (Phần 81)

Hiệp Khách Quậy Mặc dù vàng không phải nguyên tố hiếm nhất hay đắt nhất, nhưng giá trị của nó ít ba chìm bảy nổi hơn các kim loại quý khác, phản ánh vai trò văn hóa của nó là một món dự trữ ổn định, rủi ro thấp cho sự thịnh vượng. Đã được sử... Xin mời đọc tiếp.

Vàng

Mặc dù vàng không phải nguyên tố hiếm nhất hay đắt nhất, nhưng giá trị của nó ít ba chìm bảy nổi hơn các kim loại quý khác, phản ánh vai trò văn hóa của nó là một món dự trữ ổn định, rủi ro thấp cho sự thịnh vượng. Đã được sử dụng làm vật trao đổi trong hàng thiên niên kỉ, vàng giữ được giá trị của nó ngay cả khi – hay đặc biệt khi – tiền tệ sụp đổ. Về mặt hóa học, vàng cũng là một con thuyền vững chãi: hoàn toàn không hoạt tính, nó không bị tác động bởi không khí, nước hay thời gian và giữ được vẻ lung linh vĩnh hằng của nó.

Lộng lẫy và khan hiếm khiến vàng quý giá: 165.446 tấn vàng từng được khai thác trong lịch sử nhân loại chỉ vừa vặn làm nên một hình lập phương kích cỡ 20 mét (60 ft). Không giống các láng giềng gần của nó trên bảng tuần hoàn, vàng mềm và dễ gia công – một mảnh nhỏ cỡ bằng móng tay có thể được dát phẳng thành một lá vàng một mét vuông (10,75 foot vuông), mỏng đến mức ánh sáng chiếu xuyên qua nó. 1 gam (0,03 oz) vàng còn có thể kéo thành một sợi dài 24 km (15 dặm). Bạc và đồng là chất dẫn điện và dẫn nhiệt tốt hơn, nhưng vì tình trạng xỉn màu không làm giảm các khả năng của vàng, nên nó được dùng trong các mạch điện tử và làm tấm chắn nhiệt cho phi thuyền vũ trụ.

Vàng 

Thủy ngân

Thủy ngân là một nguyên tố cổ xưa. Truyền thống gọi là quicksilver, nó là một trong hai nguyên tố lỏng duy nhất trên bảng tuần hoàn dưới các điều kiện chuẩn, và là kim loại lỏng duy nhất. Nó dễ dàng được tách khỏi quặng sulfide chính của nó, cinnabar. Nó từng được sử dụng rộng khắp – trong các nhiệt kế, uống vào dưới dạng thuốc chống trầm cảm và thuốc nhuận tràng, dùng làm chất khử trùng, trong sắc tố nước sơn, pin và chất trám răng – nhưng do độc tính cao của nó cùng với xu hướng tích tụ trong chuỗi thức ăn nên ngày nay người ta có những quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng thủy ngân.

Với những tính chất độc đáo của nó, thủy ngân đã làm say mê các nhà giả kim ngày xưa, họ xem nó là một chất phản ứng tiện dụng, có khả năng sát nhập phần lớn kim loại khác thành ‘hỗn hống’. Do sức căng bề mặt cao của nó, thủy ngân trơn, nhưng không dính ướt. Do ít tương tác với các bề mặt khác, nên thủy ngân nhỏ giọt, vỡ vụn và vón thành những quả cầu nhỏ, nhưng vì nó không lan ra nên không có cảm giác ướt khi chạm tay vào. Có tính phản xạ cao nên thủy ngân có thể được dùng làm gương lỏng. Trong khi đó, bóng đèn huỳnh quang compact, đèn huỳnh quang, và các loại đèn pha ô tô nhất định sử dụng hơi thủy ngân trong ống hàn kín.

Thủy ngân

Bảng tuần hoàn hóa học tốc hành
Dan Green
Bản dịch của Thuvienvatly.com

Phần tiếp theo >>

TẢI XUỐNG EBOOK

Mời đọc thêm