Trưng bày bản thảo thuyết tương đối rộng tại Jerusalem

Hiệp Khách Quậy Xin mời đọc tiếp.

Trong một căn phòng tối ở Jerusalem, thế giới có một cơ hội hiếm hoi chiêm ngưỡng trí tuệ của Albert Einstein khi ông làm việc để vén màn những bí mật của vũ trụ.

Bản trưng bày 46 trang, mỗi trang đều viết tay bởi chính nhà khoa học danh tiếng, đánh dấu lần đầu tiên bản thảo gốc, hoàn chỉnh của công trình bước ngoặc của ông “Thuyết tương đối rộng” được giới thiệu trước công chúng.

Cuộc trưng bày, mở cửa vào tối chủ nhật qua, là một phần của chương trình kỉ niệm lần thứ 50 thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân học Israel, đồng thời trùng với ngày sinh của Einstein, ngày 14 tháng 3.

 

Vén màn những bí ẩn của vũ trụ

Giống như một lăng tẩm đối với khoa học, các trang viết xếp thành một hình chữ nhật ở chính giữa một căn phòng nếu không đã khô khan, mỗi trang kết trên vỏ bọc gỗ thông riêng của nó và được rọi sáng bằng ánh sáng mờ nhất, để bảo vệ cho trang viết vốn mong manh, dễ hỏng.
Từng trang viết chứa đầy những chữ viết tay ngoằn ngoèo của Einstein và các công thưc toán học. Có những phần gạch chân, những phần khác thì gạch chéo và viết lại khi ông cố gắng hoàn chỉnh cái Hanoch Gutfreund, người phụ trách trưng bày, gọi là “thành tựu trí tuệ quan trọng nhất của ông”.

“Người ta hầu như có thể nhòm qua vai Einstein trong khi ông đang làm việc”, Gutfreund nói. “Những lời bình chú thêm vào vô số trang làm sáng tỏ thêm những ý tưởng cơ bản của Einstein, những thách thức mà ông đối mặt và những khó khăn mà ông gặp phải”.

Được viết tại nhà của Einstein ở Berlin năm 1916 và được tặng cho trường đại học Hebrew Jerusalem nhân dịp khánh thành của trường năm 1925, tư liệu trên đã định nghĩa lại kiến thức của loài người về cơ cấu của sự tồn tại của chúng ta – không gian, thời gian và sự hấp dẫn.

“Nó là cơ sở của kiến thức của chúng ta về vũ trụ, nó là cơ sở của nghiên cứu hiện đại về vũ trụ học, về cấu trúc của vũ trụ và sự giãn nở của vũ trụ”, Gutfreund phát biểu với hãng tin AFP.

Để bảo tồn tư liệu và ngăn không cho giấy và mực bị phân hủy, các trang viết được trưng bày trong một căn phòng tối đặc biệt, với độ ẩm và nhiệt độ được điều chỉnh hết sức thận trọng, theo lời Timna Elper, trưởng phòng thí nghiệm bảo tồn và phục hồi tư liệu tại Thư viện quốc gia Israel.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi trưng bày toàn bộ mọi thứ. Một số trang đã từng được trưng bày trước đây nhưng chưa lần nào trưng bày toàn bộ tư liệu”, Elper nói trong khi đang theo dõi cuộc triển lãm trên màn hình máy tính, hình ảnh được ghi phim với những chiếc camera quay đêm đặc biệt.

Những nhà phụ trách chỉ đồng ý cho trưng bày tư liệu vô giá trên trong 3 tuần, nó đãđược chuyển về viện hàn lâm trong một chiếc xe bọc thép từ kho chứa tại thư viện quốc gia.

Tác phẩm trên đã cách mạng hóa sự hiểu biết của các nhà khoa học về vũ trụ và làm nền tảng cho một thế kỉ khám phá quan trọng bằng sự lí thuyết hóa, trong số những thứ khác, rằng dòng thời gian bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn.

Các đồng hồ sẽ chạy nhanh hơn khi chúng ở xa một nguồn hấp dẫn lớn và chạy chậm đi khi ở gần hơn.

Lí thuyết này có những ứng dụng thực tiễn cho phép phát triển các công nghệ của kĩ nguyên vũ trụ, trong đó có khả năng theo vết quỹ đạo chính xác của các vệ tinh và xác định vị trí của chúng ta qua Hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

Gutfreund nói việc trưng bày còn làm nổi bật “mối liên hệ giữa Albert Einstein với trường đại học Hebrew và người Do Thái”.

Einstein sinh năm 1879 và giành giải Nobel vật lí năm 1921 trước khi trốn chạy Đức quốc xã sang Mĩ trong những năm 1930, đã giúp thành lập trường đại học trên trong những ngày đầu tiên của xứ Palestine do Anh cai trị.

Sau này ông đã từ chối lời mời làm tổng thống Israel vào năm 1952 nhưng đã di chúc toàn bộ các bản viết của ông cho trường đại học Hebrew, trước khi ông qua đời vào năm 1976 ở Mĩ.

Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 25 tháng 3.

Mời đọc thêm