Lịch sử vật lí thế kỉ 20 – Phần 44

Hiệp Khách Quậy Từ thời thơ ấu, Murray Gell-Mann đã làm lóa mắt mọi người trước sự xuất sắc của ông. Lên 3 tuổi, ông đã có thể nhân những con số lớn với nhau trong đầu mình. Xin mời đọc tiếp.

Alfred B. Bortz

Nhà khoa học của thập niên: Murray Gell-Mann (1929– )

Từ thời thơ ấu, Murray Gell-Mann đã làm lóa mắt mọi người trước sự xuất sắc của ông. Lên 3 tuổi, ông đã có thể nhân những con số lớn với nhau trong đầu mình. Lên 7 tuổi, ông đã thắng trong cuộc thi viết chính tả với một học sinh lớn hơn ông 5 tuổi. Đa số người lớn không biết nên làm gì với ông. Không biết cha mẹ ông nên nuôi một người con như vậy ra sao? Và làm sao các thầy giáo có thể chỉ bảo cho một cậu học trò có những ý tưởng mới ngay tức thì và vượt xa các bạn học đến ba bước?

Cha của Murray là một trí thức thất chí. Isidore Gellmann sinh ở Vienna, nước Áo; ông bắt đầu học triết học và toán học ở đó khi cha mẹ của ông, đã di cư sang Bờ Đông Manhattan, thành phố New York, cần sự giúp đỡ của ông. Ở New York, ông lấy cái tên kém mùi Do Thái hơn là Arthur và thêm một dấu gạch nối để làm cho tên ông nổi bật hơn. Ông học tiếng Anh nhanh chóng và nhận thấy khả năng ngôn ngữ của mình sẽ là tấm vé dẫn ông đến thành công. Ông lập trường Arthur Gell-Mann để dạy những người Anh di cư khác. Đó là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng Arthur là một thầy giáo nghiêm khắc và độc đoán. Học trò của ông cần học từ vựng cơ bản và cấu trúc câu để thích nghi với lối sống Mĩ, nhưng ông cứ khăng khăng giảng dạy một danh sách dài ngoằn các quy tắc ngữ pháp và thuật ngữ. Ngôi trường của ông đã không trụ qua nổi Đại Khủng hoảng. Năm 1932, Arthur tìm được công việc tốt nhất mà ông có thể tìm, làm bảo vệ ngân hàng. Ông giữ tích cực cho đầu óc mình bằng cách nghiên cứu thuyết tương đối của Einstein, nhưng rồi ông phải bỏ cuộc vì gia đình và cuộc sống thường nhật. Trong khi đó, vợ của ông, Pauline, bắt đầu lâm bệnh tâm thần. Trốn tránh những khó khăn trước mắt, bà thoát vào một thế giới ước mơ không có phiền muộn. Bà cười cười nói nói một cách quái đản, cho dù mọi thứ đang diễn ra không đúng xung quanh bà.

alt
Murray Gell-Mann nhận ra một tính chất ông gọi là “tính lạ” được bảo toàn trong các tương tác do lực hạt nhân mạnh gây ra. Tính chất đó đưa ông đến một đối xứng toán học giữa các tính chất của baryon và sau đó đề xuất rằng các baryon và meson là những hạt cấu tạo từ các quark. (Ảnh: AIP Emilio Segrè Visual Archives)

Cậu trai trẻ Murray sớm biết phải chuyển sang dựa vào người anh trai, Ben, thay vì vào cha mẹ mình. Ben, lớn hơn Murray gần 10 tuổi, là một người ham học và hai cậu con trai trở thành những người bạn đồng hành tốt của nhau. Đi thăm các bảo tàng và công viên ở thành phố New York trở thành hoạt động yêu thích của họ và khám phá các trò tiêu khiển yêu thích. Murray cũng cần được giáo dục chính thống, nhưng rõ ràng chỗ của ông không phải là một trường học bình thường. Các thầy giáo trong lớp của ông chẳng biết làm gì với ông cả. May thay, thầy giáo dạy piano của ông đã đưa cậu Murray 8 tuổi đến gặp ngài hiệu trưởng trường Columbia Grammar, một ngôi trường tư nhân giàu có ở Bờ Tây Manhattan. Ngài hiệu trưởng nhận ra các năng khiếu của cậu con trai và đã sắp xếp một suất học bổng trọn gói. Cả bố mẹ đang quẫn trí của ông cũng nhận ra đây đúng là cái con trai họ cần, và họ đã chuyển đến một căn chung cư cùng dãy với ngôi trường trên. Đây không phải là cơ hội duy nhất mà Arthur giữ vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn sự học hành của người con trai. Arthur đã khuyến khích sở thích toán học của Murray và can ngăn con trai thi vào khảo cổ học hay ngôn ngữ học ở trường đại học. Nhưng chủ nghĩa cầu toàn khắt khe của Arthur cuối cùng đã trở thành một gánh nặng cho Murray trong những năm tháng đại học của ông.

Tại Columbia Grammar, các bạn học của Murray và cả thầy giáo của ông không thể đuổi kịp ông. Vốn quan tâm xa rộng, ông chẳng học được gì ở đó. Có khả năng hơn, ban giám hiệu trường đã cho Murray cái ông cần để tự học, và rồi họ bước ra khỏi hành trình của ông. Ít ra thì Columbia Grammar cũng cho ông cơ hội để vào trường đại học Ivy League. Ở tuổi 15, Murray vào trường đại học Yale với một suất học bổng trọn gói, mặc dù trường này khi ấy vẫn có hạn ngạch khắt khe 10% cho sinh viên Do Thái. Mặc dù ít nhất là trẻ hơn 3 tuổi so với các bạn cùng lớp, nhưng trong khi đa phần trong số họ phải chật vật mới nắm bắt kịp chương trình mới, thì Murray nhẹ nhàng trải qua các khóa học của mình, cả về toán cao cấp và vật lí học. Rồi ông vấp phải rào cản khi đến lúc viết luận văn của mình. Ông không nhờ cố vấn của mình giúp đỡ, vì ông biết rằng ông không bao giờ có thể viết cái gì đủ tốt cho người cha yêu ngôn ngữ của mình.

Không có luận văn, ông xin việc được ở Yale và mỗi trường đại học Ivy League khác, trừ trường Harvard, không có trao học bổng. Ông miễn cưỡng chấp nhận một lời mời từ MIT, Viện Công nghệ Massachusetts. Nó đã và vẫn là một trong những chương trình đào tạo vật lí tốt nhất ở Mĩ, nhưng nó không phải là trường thuộc hệ thống Ivy League. Ông tâm sự như thế này: “Một chút suy nghĩ đã thuyết phục tôi rằng tôi có thể thử ở MIT, và rồi tự tử sau nếu như tôi muốn, chứ không còn cách nào khác”.

Chương trình của MIT phù hợp tốt với ông, và ông hoàn thành luận án tiến sĩ ở đó lúc ở tuổi 21, mặc dù luận án của ông đã gặp trục trặc hoãn lại 6 tháng. Trên tiến trình đó, ông đã học được một lí thuyết có chút ít giá trị là nếu nó không phù hợp với bằng chứng quan sát hay thực nghiệm, thì ông sẽ đấu tranh cho tính đơn giản toán học trong các lí thuyết của ông hễ khi nào có thể. Đó là triết lí sau này đã đưa ông đến với các quark, và bát đạo, và giải thưởng Nobel. Ông được yêu cầu thuyết giảng khi nhận giải Nobel, nhưng một lần nữa hòn đá tảng lại xuất hiện trên đường, và ông chưa bao giờ đệ trình một bản viết nào cho bộ sưu tập Nobel.

Murray Gell-Mann luôn có sở thích rộng, cả trong khoa học và trong cuộc sống riêng tư. Trong khi làm việc tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Đại học Princeton, ông đã gặp một phụ nữ trẻ người Anh, Margaret Dow, trợ lí cho một nhà khảo cổ học ở đó. Murray vẫn thích khảo cổ học, mặc dù cha của ông ngăn không cho ông nghiên cứu nó ở trường. Và kinh nghiệm của ông ở các công viên New York biến ông thành một người quan sát chim chóc say sưa, một sự đồng cảm mà Margaret chia sẻ. Trong một chuyến đi đáng nhớ cùng với nhau, họ đã đến một hòn đảo nằm ngoài khơi Scotland để tìm kiếm chim hải âu rụt cổ. Họ chỉ nhìn thấy một con, nhưng thế đã là đủ. Sau đó, họ đã kết hôn vào năm 1955, và chim hải âu rụt cổ trở thành mối nhân duyên của họ.

Hôn nhân đã làm thay đổi con người Murray Gell-Mann. Trước khi gặp Margaret, ông thật lỗi lạc và thường đặt mình vào trong công việc nhiều hơn trong cuộc sống. Cái chết của bà vì căn bệnh ung thư vào năm 1981 đã tàn phá con người ông, và nó đến đồng thời khi ông đang vật lộn để giữ nguyên vẹn mối quan hệ của ông với người con gái đã tham gia vào những hoạt động chính trị hết sức bất hạnh. Vài năm sau đó, ông lại gặp khó khăn để giữ quan hệ với người con trai của mình.

Murray Gell-Mann tái hôn vào năm 1992 khi đang ở giữa một nhiệm vụ viết lách khó khăn khác nữa, một quyển tự truyện. Ông đã bỏ lỡ thời hạn cuối cùng, và dù với sự hỗ trợ của người vợ của ông, Marcia Southwick, ông không thể nào viết nên một bản thảo hài lòng. Nhà xuất bản cho đình chỉ dự án. May thay, một nhà xuất bản mới và sự hỗ trợ biên tập đã cho phép ông hoàn thành Hạt quark và Con báo đốm, câu chuyện của cuộc đời ông và sự nghiệp khoa học của ông, mà ông đặt tít con là Những cuộc phiêu lưu vào Thế giới đơn giản và phức tạp, năm 1994. Hiện nay, ông đã đoàn tụ với các con, và trải qua phần lớn thời gian trong một ngôi nhà thoáng đãng ở Santa Fe, New Mexico, chứa đầy các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, và sách vở.

Còn tiếp...

Phần 43

Mời đọc thêm