Giải thích sự đồng bộ của đồng hồ quả lắc

Hiệp Khách Quậy Khoảng 350 năm về trước, nhà phát minh và nhà khoa học người Hà Lan Christiaan Huygens đã quan sát thấy hai đồng hồ quả lắc treo trên tường sẽ đồng bộ chuyển động của chúng theo thời gian. Xin mời đọc tiếp.

Khoảng 350 năm về trước, nhà phát minh và nhà khoa học người Hà Lan Christiaan Huygens đã quan sát thấy hai đồng hồ quả lắc treo trên tường sẽ đồng bộ chuyển động của chúng theo thời gian.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng trên đã khiến các nhà khoa học vò đầu bứt tai hàng thế kỉ mà chưa có sự nhất trí nào.

Một bài báo công bố trên tạp chí Nature số ra gần đây đề xuất một giải đáp: hai con lắc truyền năng lượng cho nhau qua các xung sóng âm.

Hai nhà khoa học người Bồ Đào Nha nêu lí thuyết cho rằng các xung sóng âm này có thể truyền từ đồng này sang đồng hồ kia, làm nhiễu loạn dao động của hai con lắc và cuối cùng làm chúng đồng bộ với nhau.

Họ đã phát triển một mô hình toán học phức tạp trước khi tiến hành các thí nghiệm với hai con lắc gắn vào một thanh lắp cố định trên tường.

Họ tìm thấy các tiên đoán lí thuyết và mô phỏng ăn khớp với nhau.

“Chúng tôi có thể xác nhận rằng năng lượng được truyền qua một xung sóng âm,” đồng tác giả Luis Melo thuộc khoa vật lí, ĐH Lisbon trao đổi qua email với hãng tin AFP. Công trình này không chỉ giải “một bài toán cơ bản, xưa cũ” mà nó còn giúp người ta hiểu rõ hơn các loại dao động khác, ông nói.

Huygens được tôn vinh với việc chế tạo đồng hồ quả lắc đầu tiên vào năm 1656 – đồng hồ chính xác nhất tính đến thời điểm đó, với biên độ sai số chưa tới một phút mỗi ngày. Sau đó, ông cải thiện sai số ấy giảm đến dưới 10 giây.

Vào năm 1665, Huygens báo cáo việc quan sát một hiện tượng lạ - hai đồng hồ treo chung một giá đỡ sẽ bắt đầu dao động đồng bộ, nhưng theo hai chiều ngược nhau.

Tốc độ của một con lắc – một vật nặng treo dưới một sợi dây – được xác định chủ yếu bởi độ dài của nó.

Các nỗ lực giải thích sự đồng bộ hóa như thế trước nay thật đa dạng, từ tác động của những dòng không khí nhỏ xíu cho đến chuyển động nhỏ của giá đỡ gắn hai đồng hồ.

Nguồn: PhysOrg.com

Mời đọc thêm