Thời gian có biến mất khỏi vũ trụ không?

Hiệp Khách Quậy Một số bạn có thể còn nhớ một bài báo tôi từng viết trước đây về một lí thuyết đề xuất rằng thời gian không phải là một bộ phận tuyệt đối của liên tục không-thời gian và thế giới tự nhiên có thể được mô tả tốt hơn bằng... Xin mời đọc tiếp.

  • Traime Trosper (facebook.com/fromquarkstoquasars)

Một số bạn có thể còn nhớ một bài báo tôi từng viết trước đây về một lí thuyết đề xuất rằng thời gian không phải là một bộ phận tuyệt đối của liên tục không-thời gian và thế giới tự nhiên có thể được mô tả tốt hơn bằng cách loại bỏ bộ phận đó khỏi phương trình và nghĩ thời gian là một trật tự dạng số của các biến đổi. Tôi đã nhận được rất nhiều phản ứng thích thú với bài báo đó. Một số phản ứng rất khiêu khích và tôi muốn tiếp tục bàn về một quan điểm triệt để khác nữa mà tôi mới được đọc tới. Quan điểm này cho rằng thời gian thật ra là chiều thứ tư. Không những sự tồn tại của nó là có thật, mà nó còn có thể biến mất hoàn toàn khỏi vũ trụ!

Phải chăng thời gian đang trôi chậm đi

Phải chăng sự giãn nở đang tăng tốc của vũ trụ chỉ là một ảo giác?

Nếu bạn là người theo dõi bất kì trang báo hay website nào liên quan đến vật lí, có khả năng bạn đã nghe nói tới năng lượng tối – lực “phản hấp dẫn” bí ẩn đang làm tăng tốc sự giãn nở của vũ trụ và làm cho các thiên hà bay ra xa nhau. Vâng, còn nếu chúng ta nhìn ngược lại lịch sử thì sao? Cái gì sẽ xảy ra nếu bản thân vũ trụ thật sự không phải đang giãn nở ở một tốc độ tăng dần, mà thật ra thời gian đang trôi chậm đi?

Tất nhiên, những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta sẽ là rất nhỏ và không đáng chú ý từ bối cảnh con người, nhưng dễ nhìn thấy hơn nhiều (và dễ dàng đo được) trong khoảng không mênh mông của vũ đài vũ trụ. Đó chính là cái các nhà khoa học (bao gồm các giáo sư José Senovilla, Marc Mars và Raül Vera thuộc trường Đại học Xứ Basque, Bilbao, và Đại học Salamanca ở Tây Ban Nha) đang đề xuất. Không những năng lượng tối bị “dẹp tiệm”, mà các quan sát sự giãn nở “tăng tốc” của vũ trụ chẳng gì hơn là một ảo giác. Bản thân sự giãn nở đó không phải là ảo giác, mà phần giãn nở đang tăng tốc mới là ảo giác. Sự xuất hiện của gia tốc là do thời gian đang từ từ trôi chậm đi theo kiểu giống như một cái đồng hồ chạy khi pin nguồn đang cạn dần.

“Nếu thời gian đang từ từ chậm đi, mà chúng ta ngây thơ tiếp tục sử dụng các phương trình của chúng ta để suy luận ra sự biến thiên sự giãn nở theo một ‘dòng chuẩn của thời gian’, thì các mô hình đơn giản chúng tôi đã xây dựng trong bài báo của mình cho thấy một ‘tốc độ giãn nở tăng tốc hiệu dụng’ xảy ra,” phát biểu của các tác giả.

Các nhà vật lí đã và đang theo dõi sự chuyển động của những vụ nổ sao siêu mới trong vũ trụ quan sát được để xác nhận sự giãn nở tăng tốc của vũ trụ đang xảy ra. Sử dụng hiệu ứng Doppler khảo sát độ lệch đỏ của những vật thể đang chuyển động ra xa chúng ta, các nhà thiên văn đã có thể xác định và thấy rõ vũ trụ đang giãn nở nhanh như thế nào. Những vật thể bị lệch về phía đầu đỏ, bước sóng dài là đang tiến ra xa, còn những vật thể bị lệch về phía đầu xanh của quang phổ là đang tiến về phía chúng ta. Tuy nhiên, có một trở ngại – đó là độ chính xác của những phép đo này hoạt động dưới giả thuyết rằng thời gian là bất biến trong mọi phần của vũ trụ.

Vậy điều này có ý nghĩa gì?

Về cơ bản, lí thuyết này đề xuất rằng chiều thứ tư của vũ trụ – thời gian – đang từ từ suy biến thành một chiều không gian mới. Nếu đúng như vậy, thì những ngôi sao ở xa mà chúng ta thấy là đang chuyển động ra xa chúng ta ở một tốc độ tăng dần chỉ đang gây ra ấn tượng rằng chúng đang tăng tốc mà thôi.

“Những tính toán của chúng tôi cho thấy chúng ta sẽ nghĩ sự giãn nở của vũ trụ là đang tăng tốc,” giáo sư Senovilla phát biểu. Lí thuyết mới của họ xây dựng trên một biến thể đặc biệt của lí thuyết siêu dây, trong đó vũ trụ của chúng ta bị giới hạn trên bề mặt của một cái màng, hay brane, đang trôi nổi trong một không gian cao chiều hơn, gọi là “bulk”. Trong hàng tỉ năm, thời gian sẽ từ từ hòa nhập với không gian.

“Khi đó mọi thứ sẽ đóng băng, giống như ảnh chụp của một thời khắc, mãi mãi,” Senovilla nói. “Lúc đó, hành tinh của chúng ta đã chết từ lâu rồi.”

Đúng là thú vị, nhưng quan điểm trên không hoàn toàn là nhảm nhí. Theo các mô hình lí thuyết vụ nổ lớn hiện nay của chúng ta, thời gian cùng với những chiều khác của phức hợp không-thời gian đã được tạo ra tại lúc khai sinh của vũ trụ. Do đó, nó cũng có thể biến mất – đó chỉ là hiệu ứng ngược lại thôi. Vũ trụ có sinh ắt có diệt. Tuy nhiên, bạn không cần phải lo lắng vì hãy còn nhiều tỉ năm nữa thì chiếc đồng hồ vũ trụ mới gõ những nhịp cuối cùng – để lại vạn vật trong vũ trụ bị đóng băng trong không gian vô tận mãi mãi.

Trần Nghiêm dịch

Mời đọc thêm