Max Planck và cuộc cách mạng lượng tử P.2

Hiệp Khách Quậy Năm 1919 ông được công nhận giải Nobel vật lý cho năm 1918. Phải cần đến gần hai thập kỷ để Quỹ Nobel ở Stockholm công nhận phát minh vĩ đại của Planck Xin mời đọc tiếp.

(Tiếp theo phần trước)

>> Max Planck và cuộc cách mạng lượng tử P.1

Thời gian trước và sau thế chiến thứ nhất là gian nan và nghiệt ngã đối với Max Planck. Ông đã ký tên vào bản kêu gọi của 93 trí thức hàng đầu của giới khoa học và văn hóa của Đức để biện minh cho cuộc chiến của Đức, rồi chứng kiến sự sụp đổ của chế độ, sự thoái vị của vua Wilhelm, sự hỗn loạn về kinh tế của nước Đức. Rồi ông phải hứng chịu những đòn định mệnh nặng nề: năm 1909 vợ ông Marie Planck mất sau 22 năm hôn nhân hạnh phúc, với bốn mặt con; 1916 người con trai lớn Karl của ông chết trận gần Verdun; năm sau người con gái Grete chết khi sinh đứa con thứ nhất; hai năm sau, người con gái sinh đôi Emma cùng với Grete, sau khi lấy người chồng góa của Grete, cũng chết giống như thế trên giường sinh. Planck đau khổ tột cùng.

Ông viết cho Hendrik Lorentz: “Bây giờ tôi khóc cho những đứa con thân yêu tha thiết của tôi, và cảm thấy bị cướp đọat, và nghèo đi. Có những lúc tôi nghi ngờ giá trị của chính cuộc sống”. Ông tự an ủi mình “rằng con người không có quyền được hưởng những điều tốt đẹp”. Einstein không cầm được nước mắt khi đến thăm Planck: “ông ấy giữ mình đứng thẳng và can đảm tuyệt vời, nhưng người ta thấy nổi đau gậm nhấm ở ông”. Planck nếm trải kinh nghiệm đắng cay mà nhà thần bí Meister Eckardt đã diễn tả: “Con ngựa nhanh nhất mang chúng ta đến sự hoàn thiện, đó là sự đau khổ”.       

Năm 1919 ông được công nhận giải Nobel vật lý cho năm 1918. Phải cần đến gần hai thập kỷ để Quỹ Nobel ở Stockholm công nhận phát minh vĩ đại của Planck! [Einstein cũng phải chờ đến 17 năm, sau Planck.] Có lẽ vì những phát minh như của Planck, Einstein có giá trị nhiều về lý thuyết hơn về ứng dụng là điều được ghi trong di chúc của A.Nobel!? Thực tế không phải thế. Planck được những nhà vật lý tên tuổi đề nghị như Lorentz, Einstein, Born, Wien và Sommerfeld; ông này cho rằng vật lý đã trở thành một vật lý của lượng tử.

Đối mặt với sự thật là thuyết lượng tử ngày càng chứng tỏ sự thành công trong nhiều lãnh vực của vật lý, và rằng, như Laue chỉ trích, giải Nobel không thể phát cho những công trình trên lãnh vực vật lý lượng tử đang lên, bao lâu Planck không được công nhận, ủy ban Nobel cuối cùng đã từ bỏ quan điểm cho rằng, những khám phá của Planck chưa đưa đến một lý thuyết nhất quán!       

Năm 1929 để vinh danh Planck, huy chương cao quý nhất của ngành vật lý Đức, Huy chương Max-Planck của Hội Vật lý Đức ra đời, và hai người đầu tiên được vinh dự đón nhận là Max Planck và Albert Einstein.

Max_Planck_Medaille

Huân chương Max Planck 1943

Planck và đệ tam đế chế

Sự nắm quyền của quốc xã năm 1933 chấm dứt thời đại vàng son của ngành vật lý, cũng như tất cả các ngành khoa học của Đức nói chung. Hitler làm một cuộc thanh lọc toàn diện, đặc biệt ở tất cả các đại học và viện nghiên cứu. Một cuộc di tản khổng lồ của những người làm khoa học (và không phải chỉ có khoa học) sang các nước khác diễn ra, đặc biệt sang Mỹ. Einstein lúc đó may mắn đang ở Mỹ. Ông tuyên bố rút ra khỏi hàn lâm viện Phổ, để tránh cho các bạn ông và Planck khỏi sự khó xử sẽ đến.

Trong một cuộc họp sau đó, Planck viết những lời sau đây về Einstein như để giãi bày với đời sau: “Tôi tin tôi phát biểu trong sự đồng tình của các đồng nghiệp chuyên môn của tôi và của tuyệt đại đa số tất cả nhà vật lý khi nói những điều sau đây: Ngài Einstein không chỉ là một trong nhiều nhà vật lý xuất sắc, mà Ngài Einstein còn là nhà vật lý mà qua những công  trình đã được công bố của Ngài trong Hàn lâm viện, nhận thức vật lý trong thế kỷ chúng ta đã có sự thay đổi sau sắc mà ý nghĩa của nó chỉ có thể so sánh với những công trình của Johannes Kepler và Newton. Tôi sở dĩ nói điều này là để hậu thế không nghĩ rằng các đồng nghiệp hàn lâm của Ngài Einstein không có khả năng đánh giá tầm quan trọng của Ngài đối với khoa học.”

Khi Fritz Haber, nhà hóa học Đức gốc Do Thái đã có phát minh độc đáo là “lấy được bánh mì từ khí trời”, một người rất yêu nước, vào ‘có công’ là sử dụng vũ khí hóa học đầu tiên trong thế chiến thứ nhất, lãnh giải Nobel hóa học cùng năm với Planck, chết vì bệnh và kiệt sức trên đường lưu vong, Planck tổ chức lễ truy điệu, trong sự bao vây và cấm đoán của quốc xã. “Tôi tổ chức buổi lễ này, trừ khi cảnh sát bắt tôi đi”.

Và Planck thực hiện buổi lễ truy điệu, với đầy ắp những người tham gia. Trên bục diễn văn ông phải đưa cánh tay phải lên đến lần thứ ba mới nói được hai chữ “Heil Hitler” (“Vạn tuế Hilter”). Planck kết thúc bài diễn văn với câu nói “Haber đã chung thủy với chúng ta, chúng ta sẽ chung thủy với ông ấy”. Ông đã xin gặp Hitler để can thiệp cho các nhà khoa học gốc Do Thái, nhưng hoài công. Ông công khai phản đối sự truy bức người Do Thái và ra sức bảo vệ danh dự họ, giúp đỡ họ, và bị tố khổ ác liệt bởi các tay sai của Hitler trong khoa học như Stark và Lenard trong khoa học.      

Tháng 9 năm 1939 quân đội Đức kéo lê sự chết chóc và tàn phá vào hết nước này đến nước khác của châu Âu. Planck, ở tuổi 81, viết cho Laue: “Hòa bình không đến gần mà lại đi xa. Sự mất trí này, sự tự sát này của giống loài được ca tụng của chúng ta, còn kéo dài đến bao giờ nữa? Tình hình là tuyệt vọng. Nhưng tôi vẫn luôn còn hy vọng - chứng kiến kết cục”.

Không có quyền hạnh phúc

Planck chứng kiến được kết cục, nhưng đau khổ biết bao. Năm 1944 ngôi nhà đầy kỷ niệm với những tư liệu cực kỳ quý báu của Planck ở đường Wagenheimstrasse, Berlin, trong đó có thư viện, thư tín và các quyển nhật ký, bị phá hủy hoàn toàn bởi các cuộc không kích của đồng minh. Lúc đó ông đã được di tản sang nơi khác.

Năm 1945, trước khi chiến tranh kết thúc, đứa con trai út Erwin thương yêu nhất còn lại của ông bị quốc xã hành quyết vì có tên trong danh sách của một tổ chức lật đổ Hitler. Planck lặng người đi. Lúc đó ông đã 87 tuổi. Ông ngồi vào cây đàn dương cầm, đánh lên những điệu nhạc mà con trai của ông hằng ưa thích. “Sự đau đớn của tôi không thể diễn tả được bằng lời…Tôi lại cố gắng ngày qua ngày, để có lại sức, để cam chịu với số phận này. Bởi vì với mỗi ngày lên, một ngọn đòn mới đến với tôi, làm tôi tê tái, và làm mờ đi ý thức sáng sủa của tôi. Sẽ còn lâu tôi mới trở lại sự quân bình tinh thần. Bởi vì nó là một phần quý báu của đời tôi. Nó là tia sáng mặt trời, niềm hãnh diện của tôi, niềm hy vọng của tôi. Cái tôi đã mất đi theo nó, không thể nào được diễn tả bằng lời.

Nỗi đau kinh hoàng, định mệnh nghiệt ngã như đã bắt Planck phải chịu đựng vào giờ phút cuối đời như thể những đau khổ trước đó vẫn chưa đủ. “Tôi rất cố gắng tìm lại sức mình, để khỏi lịm đi trước đau thương. Điều giúp tôi ở đây là tôi xem như một ân huệ từ bên trên, rằng kể từ lúc tuổi thơ niềm tin vững chắc, không gì lay chuyển, vào đấng toàn năng, toàn thiện đã bám rễ trong tôi. Dĩ nhiên, con đường của ngài không phải là con đường của chúng ta; nhưng niềm tin vào ngài giúp chúng ta vượt qua được những thử thách lớn nhất.”

Planck_Einstein

Planck và Einstien

Một tổ chức khoa học mới

Khi chiến tranh chấm dứt, với sự giúp đỡ của bạn bè, Planck trở về sống ở Göttingen, thành phố của các người tiền thân của ông. Berlin giờ đây chỉ còn là đống gạch vụn. Ông ra sức cứu vãn và tái thiết Tổ chức khuếch trương khoa học Kaiser-Wilhelm-Gesellschaft như quan tâm hàng đầu, mặc dù sức khỏe ông đã giảm sút nặng từ nhiều năm do bệnh tuổi già. Phần lớn các Viện Kaiser-Wilhelm bị phá hủy, các thành viên hoặc bị trục xuất, chết hay mất tích; còn vị chủ tịch cuối cùng của Tổ chức thì cũng tự tử sau khi chế độ quốc xã sụp đổ. Từ những chủ tịch thì chỉ còn lại có Planck, và ông chính là niềm hy vọng duy nhất để tập hợp lực lượng và cứu sống lại Tổ chức. Tháng 9.1945 các viện được phép hoạt động trở lại. Planck nhận lời làm “chủ tịch danh dự” của Kaiser-Wilhelm-Gesellschaft tương lai.      

Tháng 7, 1946 Hàn lâm viện Anh tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 300 của Isaac Newton. Lễ này đáng lẽ đã được tổ chức năm 1942, nhưng bị hoãn lại vì những lý do chiến tranh. Planck là nhà khoa học Đức duy nhất được mời tham dự.  Một máy bay quân sự Anh đã đưa ông và vợ sang London. Tại buổi lễ, Planck được cộng đồng khoa học thế giới chào đón nồng nhiệt và kính cẩn nhất như người đại diện của một ‘nước Đức khác’.

Người ta vẫn không quên những đóng góp khoa học lớn lao của ông và thái độ phản kháng tích cực của ông trong thời đệ tam đế chế. Một sự kiện nhỏ diễn ra đã làm ông không vui. Người giới thiệu chương trình giới thiệu tên tuổi của các nhà khoa học thế giới như những đại diện của quốc gia họ. Đến lượt Planck thì người đó ngập ngừng một hồi rồi mới tiếp: Giáo sư Planck, đại diện của “No country”!. Người ta kể, ông cảm thấy bị tổn thương nặng nề.      

Ngày 11 tháng 9 năm 1946 “Tổ chức nghiên cứu Max-Planck-Gesellschaft nhằm khuếch trương khoa học” được chính thức ra đời tại Bad Driburg, thay thế cho Kaiser-Wilhelm-Gesellschaft cũ, thể theo nguyện vọng của những người thành lập, và cũng phù hợp với ý muốn của chính quyền quân sự lâm thời Anh trong vùng quản lý, không muốn thấy cái tên của vua Wilhelm là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt. Max Planck là chủ tịch danh dự của tổ chức. Không còn cái tên nào phù hợp hơn, không còn ai xứng đáng hơn để đặt cho tổ chức. Trong bài phát biểu ngắn trước máy quay phim của báo chí để cám ơn những người thành lập là những nhà khoa học được giải Nobel còn lại, và để đáp lại sự chúc mừng và ca ngợi của họ, ông nhiều lần đã nghẹn lời.

Ra đi

Ông tiếp tục đi diễn thuyết. “Về mặt khoa học, với tuổi 89 tôi không còn sáng tạo nữa; cái còn lại là khả năng tôi theo dõi các tiến bộ khoa học mà công trình của tôi đã đặt nền móng, và thỉnh thoảng, bằng sự lập lại các bài diễn thuyết của tôi, đáp ứng nguyện vọng của những người nổ lực đi tìm chân lý và nhận thức, nhất là tuổi trẻ.” 

Một trong những vị khách cuối cùng đến thăm Planck tháng 7 năm 1947 đã ghi lại vài hình ảnh và cảm nghĩ: “Tôi không thể nào quên được ấn tượng khi đứng trực diện với một dáng đứng còng lưng của một con người già nua, bước đi ngập ngừng, với cái mũ vải dẹt, và cây gậy”. Tuy ông không tiếp khách được lâu, nhưng không vì thế mà ông “làm giảm đi ấn tượng lớn của một nhân cách, dù đã ở tuổi cao và mặc cho những khó khăn thể xác nhưng cũng vẫn còn gây ấn tượng mạnh, trong khi cuộc vật lộn tinh thần của cả một đời dài đã in sâu vào các vết hằn trên khuôn mặt ông, và đã hình thành một tấm gương trong sáng của tâm hồn một con người vĩ đại. Nó hòa lẫn với sự khiêm tốn chưa từng có, điều cũng không thể xóa đi sự vĩ đại của tư chất ông như một nhà nghiên cứu và một con người, dù trong một phút giây. Ngược lại: Đứng trước tôi là một trong những con người vĩ đại của thế giới trí tuệ mà bi kịch cá nhân đã không lấy đi được chút nào của nhân cách.”      

Vào những ngày cuối đời, ông nói nhiều về cuộc đời, về Thượng Đế và thế giới: “Chịu đựng can đảm trong cuộc chiến đấu cho cuộc đời, và âm thầm tuân thủ sự điều khiển của một quyền lực cao hơn ngự trị trên chúng ta”. Ông “không thuộc những người để mình cay đắng” và biết“vượt cao khỏi thế giới này”.

Ngày 4.10.1947 ông vĩnh viễn ra đi sau những giờ phút đau đớn. Quan tài được quàn ba ngày tại nhà thờ thành phố Göttingen. Người đến viếng đông chật ních. Otto Hahn, lúc này đã nhận xong giải Nobel cho hiện tượng phân hạch của mình năm 1938, và Max von Laue, người học trò được yêu quý nhất của Planck và được giải Nobel trước cả thầy mình, đọc điếu văn. Laue đứng bên cạnh quan tài được phủ đầy những vòng hoa, nghẹn lời trong nước mắt: “Và ở kia còn một vòng hoa tang giản dị. Tôi đã đặt nó xuống để thay mặt cho toàn thể những học trò mà tôi là một thành viên trong đó, như một dấu tích phù vân của tình yêu và lòng biết ơn vĩnh cửu của chúng tôi.”      

Quan tài ông được các sinh viên vật lý khiêng ra xe và đưa về nghĩa trang thành phố. Trong những lá thư chia buồn từ khắp nơi trên thế giới gửi về bà góa phụ Marga Planck, người vợ thứ hai của ông, có một lá thư gửi từ Princeton, N.J., của Albert Einstein:

“Bây giờ cũng đến lượt chồng Bà hoàn tất những ngày của ông, sau khi ông ấy đã làm được cái vĩ đại và nếm trải cái đắng cay. Đó là một thời gian đẹp và thành công mà tôi được phép cùng trải nghiệm trong sự gần gũi với ông ấy. Mắt ông hướng về những cái vĩnh cửu, nhưng ông vẫn dự phần hàng ngày vào tất cả những gì thuộc về phạm vi con người và thời đại. Thế giới con người sẽ khác đi và tốt đẹp biết bao, nếu có nhiều hơn những người lãnh đạo như ông. Nhưng điều đó dường như không có thể được. Những tính cách cao thượng trong mỗi thời đại và ở khắp nơi vẫn luôn bị cô lập, không thể ảnh hưởng được cuộc đời bên ngoài.

Những giờ phút tôi được phép trải qua ở nhà của Ông Bà, những cuộc trò chuyện mà tôi đã thực hiện riêng với con người tuyệt vời, sẽ thuộc về những kỷ niệm đẹp nhất trong phần đời còn lại của tôi. Điều đó vẫn đúng, mặc dù một biến cố bi thảm đã chia cắt chúng tôi. Tôi cầu chúc Bà trong những ngày cô đơn tìm thấy niềm an ủi rằng Bà đã đem ánh sáng và sự hài hòa vào đời của con người được kính yêu. Từ xa tôi xin chia sẻ với Bà nỗi đau của cuộc chia ly. Thư chia buồn của A. Einstein gửi bà Marga Planck.

Nguồn: Vorträge, Reden und Erinnerungen

Lời kết: Planck đã đi tìm cái vĩnh cửu, tuyệt đối. Và ông đã được toại nguyện: những khám phá vĩ đại của ông trong khoa học, thuyết lượng tử, hằng số tác động h, cùng với tên tuổi của ông đã trở thành những cái vĩnh cửu, tuyệt đối trong vũ trụ và thế giới chúng ta. Hằng số h, với trị số của nó, được khắc lên bia mộ của ông tại nghĩa trang thành phố của Göttingen như biểu tượng của một khám phá vĩnh hằng đã theo ông suốt cuộc hành trình gian khổ.

Tác giả: Nguyễn  Xuân Xanh (Bài viết có chỉnh sửa lại so với bản gốc)

Điền Quang - thuvienvatly.com

Mời đọc thêm