Loài chim cũng sử dụng ngữ pháp

Hiệp Khách Quậy Có lẽ chúng không có động từ, danh từ hay thì quá khứ, nhưng loài chim hiện đang thách thức quan niệm cho rằng chỉ có loài người mới có tiến hóa những quy tắc ngữ pháp trong giao tiếp ngôn ngữ. Xin mời đọc tiếp.

Có lẽ chúng không có động từ, danh từ hay thì quá khứ, nhưng loài chim hiện đang thách thức quan niệm cho rằng chỉ có loài người mới có tiến hóa những quy tắc ngữ pháp trong giao tiếp ngôn ngữ.

Loài chim sẻ Bengal có những quy tắc – gọi là cú pháp - riêng như thế của chúng, theo lời Kentaro Abe thuộc trường Đại học Kyoto, Nhật Bản. “Những loài chim biết hót có một khả năng bẩm sinh để xử lí những cấu trúc có cú pháp trong giọng hót của chúng”, ông nói.

 Chim sẻ Bengal

Chim sẻ Bengal biết sử dụng ngữ pháp chăng? (Ảnh: Arco Images GmbH/Alamy)

Để chứng minh sự cảm nhận cú pháp ở động vật, đội của Abe đã chơi một bản hỗn tạp “phi ngữ pháp” gồm những giọng hót đa dạng trước những con chim thí nghiệm và đo lấy tiếng gọi hưởng ứng của chúng.

Mặc dù nhiều loài động vật, như chó, vẹt, khỉ không đuôi được biết là hiểu và biết xây dựng “câu”, và nhận ra ngôn ngữ của loài người cho từng vật riêng lẻ, nhưng Abe cho biết chỉ những con chim sẻ của ông mới tỏ ra có một dạng ngữ pháp trong sự bày tỏ của chúng. Tuy nhiên, những khẳng định tương tự cũng đã được nêu ra đối với tiếng hát cá voi.

Trong thiên nhiên hoang dã, loài chim sẻ Bengal kêu đáp trả mãnh liệt khi chúng nghe những giọng hót không quen thuộc, thường là từ những con chim xâm nhập. Trong phòng thí nghiệm, Abe và người đồng nghiệp Dai Watanabe thuộc Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản ở Saitama đã khai thác những phản ứng này để nghiên cứu xem loài chim sẻ có thể để ý tới những giọng hót “phi ngữ pháp” hay không.

Quy tắc ngữ pháp

Trước tiên, họ chơi những bài hát chim sẻ không quen thuộc lặp đi lặp lại cho đến khi các con chim quen thuộc với chúng và ngừng sự phản ứng thái quá. Sau đó, họ trộn lẫn các tiết tấu trong từng bài hát đó và chơi lại những phiên bản này trước những con chim.

“Cái chúng tôi tìm thấy thật bất ngờ”, Abe nói. Các con chim chỉ phản ứng lại với một trong bốn phiên bản âm trộn, gọi là SEQ2, cứ như thế chúng phát hiện nó vi phạm một số quy tắc ngữ pháp nào đó, trong khi ba phiên bản âm trộn kia thì không. Gần 90% trong số các con chim thử nghiệm phản ứng như vậy. “Điều này cho thấy sự tồn tại của một quy tắc nhất định trong trật tự âm tiết trong giọng hót của chúng, cùng chia sẻ trong cộng đồng xã hội”, Abe nói.

Trong những thí nghiệm sau đó, Abe chứng minh rằng những quy tắc đó không phải là bẩm sinh – chúng phải học mới biết. Những chú chim bị cách li không hề phản ứng với SEQ2 cho đến khi chúng trải qua hai tuần sống chung với những con chim khác. Ông còn dạy chim sẻ những quy tắc ngữ pháp phi tự nhiên bằng cách cho chúng làm quen với một trong những phiên bản âm trộn của ông, sau đó khảo sát sự phản ứng của chúng trước các phiên bản hòa trộn vi phạm những quy tắc “nhân tạo” đó.

Cuối cùng, Abe dùng hóa chất làm hỏng một khu vực trong não gọi là nidopallium trước ở một số con chim, và từ đó có thể chứng minh rằng nó là cái thiết yếu cho việc nhận ra ngữ pháp sai. Ở con người, một vùng gọi là khu vực Broca bị kích thích khi chúng ta nghe những câu nói không tuân theo ngữ pháp, cho nên Abe đề xuất rằng việc nghiên cứu một vùng tương đương như thế ở chim sẻ sẽ làm sáng tỏ thêm về nguồn gốc của ngữ pháp ở loài người.

Ngôn ngữ của loài chim?

Constance Scharff, người nghiên cứu về chim hót tại trường Đại học Mở Berlin, Đức, cho biết công trình như trên là quan trọng vì người ta thường khẳng định con người là giống loài duy nhất biết sử dụng ngữ pháp.

“Đó là một thí nghiệm khéo léo cho thấy chim chóc nhạy cảm với sự thay đổi giọng hót phù hợp với những ngữ pháp khác nhau”, bà nói. “Càng ngày chúng ta càng nhìn thấy nhiều sự tương đồng giữa con người và động vật, và điều đó khiến một số người cảm thấy băn khoăn”.

Nguồn: physicsworld.com

Mời đọc thêm