James Bradley (1693-1762) và nghiên cứu thị sai

Hiệp Khách Quậy James Bradley là nhà thiên văn học người Anh nổi tiếng nhất với việc khám phá ra sự quang sai của ánh sáng sao. Kết quả trên là một mảnh bằng chứng quan trọng ủng hộ cho lí thuyết Copernicus rằng Trái đất chuyển động xung quanh Mặt trời,... Xin mời đọc tiếp.

James Bradley

James Bradley là nhà thiên văn học người Anh nổi tiếng nhất với việc khám phá ra sự quang sai của ánh sáng sao. Kết quả trên là một mảnh bằng chứng quan trọng ủng hộ cho lí thuyết Copernicus rằng Trái đất chuyển động xung quanh Mặt trời, đồng thời mang lại một phương pháp khác để ước tính vận tốc của ánh sáng.

Sinh ra ở Sherborne, nước Anh, Bradley là cháu trai của vị giáo sĩ và nhà thiên văn học nghiệp dư James Pound. Bác của ông đã đào tạo ông về thiên văn học từ hồi nhỏ và Bradley chính thức học tại trường Đại học Oxford, từ đó ông lấy bằng cử nhân vào năm 1714, và bằng thạc sĩ vào năm 1717. Lo ngại không đủ khả năng tài chính để làm một nhà thiên văn học, Bradley đã gia nhập giới tăng lữ và được bố trí sống ở Bridstow. Tuy nhiên, do những nỗ lực khoa học của ông và tình bạn với Edmund Halley, Bradley đã được bầu làm thành viên của Hội Hoàng gia vào năm 1718. Sau đó là một lời mời làm giáo sư tại Oxford vào năm 1721, và chàng trai 28 tuổi Bradley nhanh chóng từ bỏ cuộc sống tại Bridstow để giảng dạy thiên văn học tại ngôi trường danh giá trên.

Một động lực trong sự nghiệp của Bradley là mong muốn đo thị sai của các sao, một sự biến thiên biểu kiến vị trí của chúng phản ánh sự biến thiên vị trí của Trái đất trong quỹ đạo của nó xung quanh mặt trời. Sử dụng đài thiên văn của người bạn của ông, Samuel Molyneux, Bradley đã nghiên cứu có hệ thống ngôi sao Gamma Draconis và, mặc dù ông không quan sát thành công sự thị sai, nhưng ông đã có một khám phá quan trọng trong khi cố gắng làm công việc đó. Bradley tìm thấy Gamma Draconis thật sự chuyển dịch vị trí của nó, nhưng theo hướng ngược với hướng người ta trông đợi. Sau đó, ông suy luận rằng sự biến thiên vị trí sao đã quan sát thấy là do sự quang sai của ánh sáng, một hệ quả của tốc độ hữu hạn của ánh sáng và chuyển động về phía trước của Trái đất trên quỹ đạo của nó.

Bradley công bố khám phá của ông trước Hội Hoàng gia vào năm 1728. Sự quang sai của ánh sáng sao thu hút sự chú ý đặc biệt của các thành viên thuộc tổ chức trên vì nó cung cấp một số bằng chứng cho lí thuyết nhật tâm đang gây tranh cãi sâu sắc. Các kết quả đó cũng quan trọng vì chúng cung cấp một kĩ thuật khác để tính ra tốc độ của ánh sáng. Bằng cách phân tích số đo góc quang sao sao và áp dụng số liệu đó cho tốc độ quỹ đạo của Trái đất, Bradley đã có thể đi tới một ước tính khá chính xác là 295 000 km/s.

Một đóng góp khoa học quan trọng nữa mà Bradley thực hiện là việc khám phá ra sự chương động, hay dao động, của trục quay của Trái đất. Lúc đầu, Bradley để ý đến sự thăng giáng trên khi ông tiến hành các nghiên cứu của mình về sự thị sai tại đài thiên văn của Molyneuz. Tuy nhiên, vì ông tin rằng sự chương động là do sức hút hấp dẫn của mặt trăng gây ra, nên ông quyết định quan sát một chu kì đầy đủ của chuyển động của các điểm nút mặt trăng, xấp xỉ 18,6 năm, trước khi công bố bất kì kết quả nào. Hoàn thành nghiên cứu của ông vào năm 1747, khám phá của Bradley cuối cùng đã được công bố rộng raic vào năm 1748 và được tặng thưởng Huy chương Copley của Hội Hoàng gia trong cùng năm đó.

Khi Edmund Halley qua đời vào năm 1742, Bradley kế vị ông là nhà thiên văn học hoàng gia tại Đài thiên văn Greenwich. Ông đảm đương trọng trách trong phần còn lại của đời mình, đã cải thiện đáng kể tình trạng hoạt động của đài thiên văn và các thiết bị của đài. Bradley cũng tiếp tục nghiên cứu các sao và soạn thảo những bản đồ sao cực kì chính xác, mặc dù phần lớn những quan sát của ông chỉ được công bố sau khi ông mất. Ông qua đời vào ngày 13 tháng 7 năm 1762, chưa hề hiện thực hóa niềm hi vọng của ông là phát hiện ra chuyển động thị sai của các sao, nhưng có sự ảnh hưởng to lớn đối với lĩnh vực thiên văn học do những nỗ lực của ông quan sát hiện tượng khó nắm bắt trên.

Nguồn: fsu.edu

Mời đọc thêm